Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

CHUYẾN TÀU KÝ ỨC: MỐI TÌNH SINH VIÊN CHỚP NHOÁNG THỜI BAO CẤP.


CHUYẾN TÀU KÝ ỨC: MỐI TÌNH SINH VIÊN CHỚP NHOÁNG THỜI BAO CẤP.

Nhìn tấm ảnh đen trắng chụp chung với thằng bạn thời sinh viên hơn 40 năm trước, tôi bất giác bật cười. Không phải vì quần ống loe hay mái tóc cải lương, mà vì nhớ lại mối tình chớp nhoáng,
gắn với một thời bao cấp gian khó nhưng thấm đượm tình người v à đ ặt bi ệt có liên quan đến thằng bạn rất thân này.

Thời ấy, sinh viên chúng tôi sống trong ký túc xá – giường rệp, bữa cơm độn khoai sắn. Mỗi ngày là một chuỗi chắt chiu,  những đôi dép lạch cạch theo ta qua từng góc sân trường. Tôi và Sơn – dân Phù Cát, xứ võ – thân nhau vì cùng mê võ. Đứa nào học lóm đòn hay thì chia sẻ cho nhau. Mỗi lần chia sẻ là mình mẩy đứa nào cũng bầm tím.Khác tôi, Sơn hay tán gái. Tôi thì lặng lẽ, một phần vì nhút nhát, một phần vì nghèo. Nên thấy gái ở trường là mặt tầm ngầm.

Tầm ngầm mà đâm chết voi. Một lần vì nhớ nhà thì ít mà nhớ cầu viện tiền thì nhiều nên viện cớ gì đó tôi xin phép về nhà mấy hôm.

Chiều hôm ấy, tôi ra ga mua vé tàu về quê. Trong khi chờ, ánh mắt tôi bắt gặp một cô gái mặc đồ đỏ, nổi bật giữa sân ga bụi bặm. Màu đỏ ấy như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm cả không gian lạnh lẽo. Dù biết phận mình nghèo, nhưng ánh mắt nàng – vừa kiêu hãnh vừa dịu dàng – khiến tôi không thể rời mắt. Mỗi nụ cười mím của nàng tựa như lời mời gọi mơ hồ, làm lòng tôi bối rối.

Tàu đến. Tôi bước lên toa, chọn một chỗ trống. Vậy mà ngay sau đó, nàng đến, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi. Tim tôi đập thình thịch, như tiếng động cơ tàu lắc cắc. Cả hai im lặng, nhưng ánh mắt đã thay lời. Đôi chân vô tình chạm nhau – một khoảnh khắc nhỏ nhưng đủ làm một trái tim sinh viên nghèo lạc nhịp.

Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Nàng ở Gềnh Ráng, gần trường tôi, nhưng đang trên đường về Long Khánh. Giọng nàng trong trẻo nhưng thấm chút buồn. Khi tôi hỏi sao lại chọn Long Khánh, nàng chỉ cười: “Vì đói quá, ba mẹ em phải đi tìm nơi sống khác.” Một câu nói nhẹ nhàng nhưng như lát cắt, khiến tôi thấy hiện lên cả bức tranh của thời bao cấp: những chuyến đi tha hương, những cuộc đời chật vật tìm kế sinh nhai.

Tàu vào hầm tối. Không gian mịt mù, như cắt rời chúng tôi khỏi thế giới. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhẹ hôn lên mái tóc nàng. Nàng để yên, như để bóng tối che chở cho một phút yếu lòng. Bàn tay tôi tìm lấy tay nàng, hơi ấm truyền qua đầu ngón tay như ngọn nến nhỏ trong đêm dài. Rồi ánh sáng trở lại, cả hai lại trở về trạng thái nghiêm túc. Nhưng tôi thấy má nàng ửng hồng, còn tôi thì lúng túng giả vờ lục túi xách.

Khi tàu đến ga Tuy Hòa, tôi khẽ nói: “Sắp đến nhà rồi.” Nàng nhìn tôi, giọng buồn: “Hay anh vô Long Khánh với em đi?” Tôi cười gượng. Muốn lắm, nhưng túi tiền trống rỗng của một thằng sinh viên nghèo khiến tôi chẳng thể nào bước tiếp.

Tàu dừng. Tôi vội cầm tay nàng, hứa sẽ viết thư, rồi vụng về hôn lên má nàng trước khi rời đi. Tiếng còi tàu vang lên, bóng nàng qua cửa sổ khuất dần, để lại lòng tôi một nỗi trống trải không tên.

Về trường, tôi giữ lời hứa, nhưng lại ký tên Sơn trong thư. Không biết sao lúc ấy lại ngớ ngẩn thế. Thế là mỗi lần nhận thư, tôi lại phải "nộp thuế" bằng bánh tai vạt cho thằng bạn. Mỗi lần nó hét toáng lên: “Thư đây, thư đây, Bánh tai vạt bay ơi!”, cả phòng lại cười vang.

Thời gian qua, thư từ thưa dần. Một ngày, nàng báo anh trai phát hiện chuyện của chúng tôi. Và thế là, mối tình "chớp nhoáng" ấy khép lại, như chuyến tàu rời ga, để lại trong tôi âm vang một tiếng còi xa xăm.

Nhưng dù ngắn ngủi, đó vẫn là mảnh ký ức lấp lánh trong bức tranh thời sinh viên – một thời vừa nghèo khó, vừa đẹp đẽ đến nao lòng. Những bữa cơm độn khoai, những chiếc vé tàu rẻ tiền, cả một mối tình vụng dại nhưng chân thành… Tất cả như một khúc nhạc buồn, ngân mãi trong lòng, để khi nhớ lại, ta chợt mỉm cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét